Thông điệp từ ông Kondo Noboru-CEO Brain Works Group

11/1/2019

「Sailing Master」

Xuất bản số đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản

Chuyến bay đến sân bay Tân Sơn Nhất của Vietnam Airline chuẩn bị hạ cánh, tôi đặc biệt thích ngắm khung cảnh từ cửa sổ bên trái. Khi nhìn thấy hình ảnh con sông Sài Gòn uốn lượn, tôi cảm nhận được hình ảnh Mekong thật hùng vĩ, và cảm giác sâu sắc hơn khi nhìn thấy từ trên cao hai sân golf quen thuộc. Càng xuống thấp, đập vào mắt là những tòa nhà cao chọc trời ‘‘Dubai của Sài Gòn’’. Đây là một trong những thay đổi lớn giữa quá khứ và hiện tại. Tôi đã có 250 chuyến bay khứ hồi trong 20 năm đi lại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vào 20 năm trước tôi được người bạn thân là giám đốc rủ cùng bắt đầu thử thách kinh doanh ICT offshore, và điều đó được tái hiện như mới ngày hôm qua.

Lúc đó, nhiều người hỏi tôi là ‘‘tại sao lại là Việt Nam?’’, ‘‘làm gì ở Việt Nam?’’. Tuy nhiên lời giải thích khó hơn là tôi dự kiến. Nhưng bây giờ không còn nhiều người hỏi những câu như vậy nữa. Sự tồn tại và tiềm năng của Việt Nam đã được biết đến rộng rãi với người Nhật trong những năm gần đây. Không chỉ có kinh doanh, sự hiện diện về hình ảnh của một vùng đất du lịch cũng đang tăng dần.

Hiện nay số lượng người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản là rất lớn chỉ xếp sau Trung Quốc. Tôi chưa từng tưởng tượng được điều này vào 20 năm trước. Đặc biệt là một người trong lĩnh vực chuyên môn kiến trúc, tôi không thể giấu được sự bất ngờ trước làn sóng xây dựng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Dĩ nhiên, tôi cũng đã luôn cảm nhận về sự thay đổi của các thành phố phát triển hơn Việt Nam như là Thượng Hải và Bangkok... nhưng ở Việt Nam có gì đó rất khác đối với một người Nhật như tôi. Tôi nghĩ nó giống như cảm giác của tất cả những ai lần đầu đến Việt Nam. Nếu dùng một từ để diễn tả thì tôi nghĩ đó là sự phù hợp về cảm nhận và kích thước. Tôi nghĩ trên thế giới không có đất nước nào lại hợp với Nhật Bản đến mức như vậy. Dĩ nhiên nếu tìm hiểu sâu về chính trị, văn hóa, ngôn ngữ thì có rất nhiều sự khác biệt. Mặt khác, nếu tập trung vào những điểm tương đồng thì thật bất ngờ vì có nhiều điểm giống với ngày xưa của người Nhật chúng tôi. Hình dáng dài theo chiều dọc của Việt Nam giống hệt Nhật Bản, với một nửa là bờ biển. Sự khác nhau của thời tiết và phong cách sống của miền Nam và miền Bắc cũng giống như ở Nhật Bản. Đi về vùng nông thôn, một lần nữa tôi nhận ra một quốc gia có nền nông nghiệp là chính. Sự cách biệt giữa vùng nông thôn và thành thị như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lớn hơn là ở Nhật. Sự khác biệt rõ rệt về cơ sở hạ tầng giao thông hơn bất cứ thứ gì khác.

Khắp nơi lan rộng những cảnh quan gợi nhớ đến Nhật Bản ngày xưa.
Việt Nam hiện đang rất năng động. Những người kinh doanh Nhật Bản đến Việt Nam đều chia sẻ những cảm nhận giống nhau. Tuy còn có sự lộn xộn, nhưng những con mắt của những người sống trong đó vẫn sáng ngời và đầy động lực. Tôi cảm nhận được sức sống từ mọi thế hệ, từ trẻ em cho đến người cao tuổi. Và hơn bất kì thứ gì khác đó là có rất nhiều người trẻ tại đây. Nó làm nhiều nhà sáng lập nhớ lại thời xưa của Nhật Bản. Chỉ cần nhìn thấy khung cảnh như vậy cũng làm tôi thấy năng động hơn. Đó là đương nhiên vì luôn đầy ắp sự phấn khích. Sự tăng trưởng của Việt Nam rất mạnh khi bạn nhìn vào các chỉ số kinh tế. Nhưng cái tôi cảm nhận không phải là các con số của chỉ số kinh tế. Thỉnh thoảng, khi tôi tiếp xúc lâu năm với những nhà kinh doanh là bạn thân lâu năm, và những nhà khởi nghiệp của Việt Nam, tôi hiểu rõ hơn đất nước phát triển và tăng trưởng là như thế nào. Trong chớp mắt, những người bạn thân của tôi đã thành công, họ gia nhập vào hàng ngũ những người giàu có. Đương nhiên sự tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào chính sách quốc gia, tuy vậy ai là người tạo ra động lực và sự tăng trưởng cho đất nước? Tôi nhận thức sâu sắc rằng đó chính là những nhà khởi nghiệp và các công ty mạnh mẽ tràn đầy năng lượng. Đặc biệt, các nhà kinh doanh đã bắt đầu hoạt động cách đây hơn 10 năm hiện đang ở vị trí là trung tâm của nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên, sự hiện diện của các doanh nghiệp nhà nước cũng lớn nhưng sự tăng trưởng của các doanh nghiệp mới nổi là động lực vượt quá sự tưởng tượng. Sự xuất hiện của các công ty hàng đầu đang nổi lên trong nhiều ngành nghề như xây dựng, ICT, sản xuất thực phẩm, phát triển khu nghỉ dưỡng. Việc nảy nở mạnh mẽ các Start Up – một vấn đề đang là thách thức của Nhật Bản – cho thấy ý chí khởi nghiệp tại Việt Nam thật tuyệt vời.

Các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các công ty lớn tự suy nghĩ chiến lược kinh doanh tại nước ngoài một cách khéo léo để làm sao cạnh tranh ở các nước mới nổi. Đồng thời với điều đó, họ cũng nhắm đến M&A. Điều đó không sai nhưng nếu chỉ với điều đó sẽ không có được cơ hội kinh doanh thật sự trong tương lai ở các nước mới nổi. Việt Nam có nhiều điểm giống với Nhật Bản ngày xưa, tuy nhiên môi trường kinh doanh thì hoàn toàn khác. ICT đã thâm nhập khắp thế giới, quá trình toàn cầu hóa đang tiến triển, tuy nhiên Việt Nam là đất nước có ngành công nghiệp sơ cấp được ưu tiên hàng đầu. Thật khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong vài năm tiếp theo. Trong thời đại diễn ra sự thay đổi nhanh chóng, ta không thể nắm bắt được điều gì khi chỉ nhìn vào các nước mới nổi từ bên ngoài. Nếu vậy, nếu sống tại đất nước đó thì sẽ hiểu được chăng? Dĩ nhiên có thể quan sát được tình hình cố định và nắm bắt khu vực xung quanh. Tuy nhiên chỉ như vậy thì sẽ không đủ. Doanh nghiệp dù ở quy mô nào thì đều đòi hỏi phải đổi mới để tồn tại. Hiện nay dù có nói rằng hầu hết sự đổi mới hiện nay đến từ các nước mới nổi thì cũng không phải là nói quá. Đó là sự bất tiện hơn những nước phát triển, là lòng ham muốn tột cùng với sự giàu có từ chính sự nghèo khó. Hơn nữa bây giờ đã là thời đại mà công nghệ tiên tiến đại diện bởi ICT được sử dụng trên toàn thế giới. Chính vì vậy, các nhà khởi nghiệp, các nhà kinh doanh sinh ra và lớn lên ở đất nước đó trở nên mạnh mẽ là điều hiển nhiên. Tôi đã suy nghĩ từ rất lâu rằng tương lai của Nhật Bản phụ thuộc vào sự “cùng tồn tại’’ với các nước mới nổi. Không phải là hỗ trợ, cũng không phải là bóc lột mà là ‘‘cùng tồn tại ’’. Nói cách khác là cùng tồn tại với trái đất. Có một số doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhà khởi nghiệp của Nhật Bản đã và đang thực hành một cách có ý thức, nhưng mới chỉ là thiểu số.

Để cùng tồn tại thì điều gì là cần thiết? Tôi cho rằng làm gì trong kinh doanh cũng là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm với ai. Nếu chúng ta chỉ ưu tiên đến lợi ích trước mắt, thì điều đầu tiên suy nghĩ là làm gì? Đôi khi điều đó là đúng, nhưng chúng ta bỏ lỡ cơ hội về nhiều mặt. Hơn nữa nó rời xa với đóng góp xã hội. Nếu chúng ta suy nghĩ làm với ai, chúng ta có thể chia sẻ thực tế và cuộc sống của đất nước đó cùng với những mong muốn của con người nơi đó. Nếu chúng ta xây dựng mối quan hệ tin cậy theo thời gian và theo đó lắng nghe nguyện vọng của đối phương, chúng ta sẽ nhìn thấy những gì Nhật Bản mong đợi tại các nước mới nổi và nhìn thấy con đường cùng tồn tại.

Lần này, sau vài năm chúng tôi quyết định tiếp tục xuất bản tạp chí thông tin kinh doanh về các nước mới nổi. Chúng tôi có kế hoạch truyển tải thông tin hữu ích, đúng lúc thông qua mạng xã hội để tìm kiếm ‘‘Làm với ai’’.

Trong những năm gần đây, công ty tôi cũng đã bắt đầu kinh doanh ở Rwanda và Kenya ở Đông Phi. Hiện nay chúng tôi cũng chú ý đến các nước như Nepal. Từ bây giờ tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh cùng với cái duyên được sinh ra tự nhiên ở các nước mà họ kỳ vọng vào người Nhật Bản.

BRAIN WORKS GROUP
Giám Đốc Đại Diện KONDO NOBORU