Brain Navi Vol.9:
Học hỏi các nước phát triển, học hỏi các nước mới nổi

25/12/2015

Xin kính chào Quý khách. Tôi là Kondo từ công ty Brain Works.

Tại Nhật Bản, thời điểm cuối năm đang đến gần, đây chính là lúc nhìn lại hoạt động của cả một năm. Trong năm nay, công ty chúng tôi cũng đã có những hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, điều mà tôi cảm nhận rõ nét chính là thay đổi để thích nghi với “Sự thay đổi của xã hội và nền kinh tế”. Một nước phát triển như Nhật Bản, song song với sự dư giả hiện tại thì việc duy trì mức độ phát triển kinh tế như hiện nay là cả một vấn đề nan giải. Nhìn nhận một cách khách quan thì cả trong nước Nhật và thế giới đều chịu tác động lớn của con sóng thay đổi đang tới. Để phá vỡ cảm giác bế tắc này, cần có sức mạnh để tạo ra những cải tiến mới tại các nước chậm phát triển và các nước mới nổi.

Tại Nhật Bản, chúng tôi đang triển khai các hoạt động hỗ trợ nông nghiệp tại châu Á. Bản thân tôi cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp chính là khởi nguồn của những cải tiến mới. Khi gia nhập vào ngành nông nghiệp trên đất đai của châu Á, người Nhật gặp phải nhiều khó khăn trên mức tưởng tượng. Tuy nhiên, mặc dù còn ít nhưng đã có những người vượt biển cả để cắm rễ trên đất đai của châu Á. Ông Ako của công ty Japan Farm Product, cũng là đối tác của công ty chúng tôi, là một người trong số đó. Ông đang cung cấp mặt hàng rau xanh an toàn, tuân thủ các quy định tiêu chuẩn về sử dụng thuốc trừ sâu cho các siêu thị tại khu vực lân cận thủ đô Phnompenh, Campuchia. Hình ảnh những người Nhật dám thử thách mình trong ngành kinh doanh nông nghiệp trong một môi trường không thuận lợi, nơi có sự khác biệt cả về ngôn ngữ và văn hóa, hơn nữa đó cũng không phải là số vốn lớn, có thể nói là rất hiếm gặp.

――Trong một môi trường không thuận lợi và khan hiếm tài nguyên thì làm sao để tạo ra được một điều gì đó?

Tại các nước mới nổi hay các nước chậm phát triển đang nổi lên hiện tượng các doanh nghiệp thành công bằng phương thức “Jugaad Innovation”, đưa cách nghĩ “Jugaad - khôn khéo, năng động” của Ấn Độ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ. Tủ lạnh không cần dùng điện, ô tô có thể được mua với giá khoảng 2000 USD là những điều mà không thể nghĩ đến tại nơi có môi trường giàu có như Nhật Bản hiện nay. Tuy nhiên, ở các nước mới nổi hay các nước chậm phát triển, việc gặp những nhu cầu như thế này là rất đỗi bình thường. Tất nhiên tại Việt Nam cũng giống như vậy. Điều nước Nhật cũng như doanh nghiệp Nhật Bản cần phải học hỏi chính là sự chuyển đổi cách suy nghĩ như vậy.

Đồng thời với việc truyền đạt những kinh nghiệm và bí quyết của Nhật Bản tại Việt Nam, giờ đây chúng tôi cũng muốn học hỏi nhiều hơn nữa từ Việt Nam cách suy nghĩ Jugaad. Việt Nam học hỏi Nhật Bản, Nhật Bản học hỏi Việt Nam. Chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ học hỏi lẫn nhau như vậy.

Brain Works Group
CEO Kondo Noboru